Người ta thưởng bảo, đã đến miền Tây, đặc biệt là Châu Đốc An Giang, mà chưa ăn chè thốt nốt thì xem như chưa đến. Cũng đúng thôi, ở cái xứ sở nhìn đâu cũng thấy thốt nốt, món gì cũng có tí thốt nốt, thì chè thốt nốt như một món ăn đầy mê hoặc mà người dân nơi đây gửi đến các vị khách của mình.
Chè thốt nốt mát lạnh đầy mời gọi
Dưới cái năng oi ả, cơn khát đang lên đến cao trào thì còn gì bằng khi bạn dừng chân vào một quán ven đường, gọi cho mình một chén chè thốt nốt đầy ụ, mát lạnh, thưởng thức cái vị béo ngậy của nước dừa, vị ngọt thanh của đường, thêm chút mềm dẻo của các lát thốt nốt. Cái món chè cứ nhìn là mê này đã trở thành một món đặc sản nổi tiếng của vùng đất An Giang, đến nỗi khi nhắc đến An Giang người ta lại nghĩ ngay đến chè thốt nốt.
Cứ đến miền Tây, bạn dễ dàng gặp những hàng cây thốt nốt mọc bên đường
Dạo quanh Châu Đốc An Giang hay một số vùng ở miền Tây, bạn dễ dàng bắt gặp những hàng cây thốt nốt vươn lên đầy kiêu hãnh ở bên bờ sông, ngoài đồng lúa, trong vườn nhà như thể đây là vương quốc của loài cây này. Quả thốt nốt bề ngoài giống như quả dừa, vỏ tím sẫm, bên trong chia thành nhiều múi.
Quả cây thốt nốt
Để nấu món chè dân giã này, cần phải tách vỏ ngoài lấy múi thốt nốt, lấy phần cơm dẻo, trong suốt của quả. Mà khâu chọn quả cũng rất quan trọng nữa, phải chọn những quả không bị nốt già, cứng, vì chúng sẽ làm nhạt, và mất đi vị mềm mại của chén chè. Nguyên liệu làm chè cũng khá dễ tìm: Cùi thốt nốt, đậu xanh, nước cốt dừa, đường thốt nốt, bột năng.
Bên trong quả thốt nốt
Các bước tiến hành nấu chè cũng đơn giản lắm, nếu bạn chỉ cần ngó qua cách làm của người dân trong vùng là bạn đã có ngay vài bí quyết sơ đẳng để chế biến được những chén chè ngon mê li rồi.
Quy trình như sau bạn nhé:
Bước 1: Bổ dọc quả thốt nốt và dùng cạo lấy phần thịt cùi bên trong, rồi dùng dao cắt cùi thốt nốt thành những miếng nhỏ vừa ăn
Bước 2: Khuấy đều bột năng với một ít nước lã, đánh đều tay cho bột tan hết
Bước 3: Đậu xanh bỏ vỏ, đun nước sôi cho đến khi chín mềm, rồi trút ra và dùng muỗng để nghiền cho nhuyễn
Bước 4: Cho nửa lít nước vào nồi cùng với đường thốt nốt và cùi thốt nốt rồi đun sôi. Khi nước sôi thì đổ từ từ hỗn hợp nước bột năng đã hòa tan vào, khuấy đều. Tiếp tục đun cho đến khi nước chè sánh đặc thì cho đậu xanh nghiền nhuyễn vào và quấy đều. Cho chè ra chén, rưới nước cốt dừa lên trên, nếu muốn bạn có thể cho thêm thạch dừa vào cùng. Hương vị của món chè sẽ càng ngon hơn khi bạn để lạnh và thưởng thức.
Ngoài công dụng làm chè ra, quả thốt nốt còn được dùng để làm đường, làm bánh với vị thơm ngọt thanh rất đặc biệt. Thốt nốt đã trở thành một thứ gì đấy gắn liền với đời sống của người dân miền Tây, một cái gì đó nghe thân thương, mộc mạc như chính con người nơi đây vậy.
Ngày nay, chè thốt nốt phổ biến hơn, không cần đến miền Tây bạn cũng có thể tìm thấy món chè này ở bất cứ một địa điểm nào đó như Hồ Chí Minh, Hà Nội,… Nhưng cái gì đã thuộc về bản sắc, văn hóa thì phải ở nơi nó được sinh ra, bạn mới cảm nhận được hết dư vị của nó, món chè này cũng vậy, đã thử chè thốt nốt là phải đến miền Tây, tận hưởng hương vị không thể trộn lẫn với bất kỳ đâu, cùng biết bao tâm huyết của người nấu chè gửi vào trong đó.
Nguồn ảnh: Internet