RIVIEW KINH NGHIỆM DU LỊCH MIỀN TÂY

Trang chủ Thông tin du lịch

I.Chợ nổi Cái Răng
Nhắc đến nét văn hóa rất đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long, không thể không nhắc đến chợ nổi, một loại hình chợ độc đáo mà có lẽ không miền nào khác trên đất nước ta có được. Trong đó chợ nổi Cái Răng là khu chợ sầm uất, tiêu biểu nhất. Chợ nổi Cái Răng nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu chảy qua quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km.
+ Thời điểm thích hợp
Chợ nổi Cái Răng họp từ rất sớm, khi trời còn giăng sương lờ mờ mặt sông, hàng trăm chiếc ghe thuyền từ khắp các ngả sông đã rộn ràng kéo về Chợ nổi. Chính vì vậy thời gian đi du lịch Chợ Nổi Cái Răng  là 5 giờ đến 8 giờ sáng đây là lúc chợ tấp nập nhất. Để trải nghiệm không khí nhộn nhịp và tham quan cảnh đẹp tại chợ nổi Cái Răng, bạn có thể đi bất kỳ mùa nào trong năm theo thời gian rỗi của mình. Ngoài ra, nếu bạn muốn khám phá một mùa đặc sản có một đặc biệt mà chỉ ở miền Tây mới có thì bạn nên đến đây vào khoảng thời gian giữa tháng 8 đến cuối tháng 11. Khoảng thời gian này chính là lúc miền Tây đón mùa lũ hay còn gọi là mùa nước nổi về.

                                                         

+ Một vài điểm đặc biệt tại chợ nổi cái răng
Đây là lý do chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn và sầm uất nhất so với các chợ nổi trong vùng. Hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng rất đa dạng hầu như không thiếu bất cứ mặt hàng, sản phẩm chính là các loại hoa quả trái cây đặc sản của vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long, ngoài ra còn có hàng thủ công, hàng nhu yếu phẩm cho đến dịch vụ đồ ăn, thức uống, cà phê…
Để khách hàng ở xa có thể nhận biết được ghe thuyền mình đang bán những sản vật gì, thì người bán treo sản vật đó lên mũi thuyền được gọi là “cây bẹo”. Hình thức “bẹo hàng” này là một nét văn hóa giao thương độc đáo mà chỉ có chợ nổi mới có – một cách quảng cáo sản phẩm không ồn ào, vội vã nhưng lại mang đến cho du khách cũng như khách hàng những điều thú vị riêng.
Do tính chất là chợ nổi và mọi hoạt động đều diễn ra trên thuyền, trên sông nước nên mọi vật dụng đều được đơn giản hóa một cách tối đa. Ăn ở đây thì bạn không có ghế, không có bàn đâu mà đôi khi chỉ đơn giản là một thanh gỗ dài bắc ngang qua 2 mép thuyền, ghe là đã có ngay chiếc bàn lý tưởng để thưởng thức món ăn.
Một số đặc sản tiêu biểu
Bún Riêu: Bún riêu cũng là một trong những món ăn để lại nhiều ấn tượng với thực khách bởi vị mắm tôm đặc trưng. Tô bún riêu được chuyền tay bắt mắt với sắc đỏ của cà, màu xanh của hành lá, thịt, mùi hương mắm tôm thơm nức đặc trưng và chút ớt cay sẽ khiến bạn không khỏi xuýt xoa
Bánh Tẩm Bì
Bánh tầm bì Cần Thơ có một hương vị vô cùng đặc biệt: bánh luôn nóng hổi do được hấp trong một cái xững trên bếp than. Món bánh này được tạo ra bởi hai nguyên liệu chính là bánh tầm và bì. Nếu như bánh tầm làm từ bột được pha chế có liều lượng, ép bằng khuôn rồi hấp; thì bì lại là thịt, da heo luộc mềm, lạng mỏng; sau đó đem thái thành sợi rồi trộn cùng với thính gạo, tỏi tươi băm nhuyễn, tỏi phi vàng, đường muối…
Gỏi xoài khô cá sặc:
Mùi thơm của khô cá sặc lẫn mùi thơm của rau răm, vị chua của xoài đã thấm nước mắm đường, cùng vị ngọt thanh của cà rốt cũng như hơi cay nồng của hành tím đã làm nên tinh túy cho món ăn đậm chất miền quê sông nước Cần Thơ nhưng rất hấp dẫn thực khách.
     Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm nhấn du lịch của TP. Cần Thơ. Năm 2016, chợ nổi Cái Răng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân vùng sông nước Tây Đô. Đây cũng là một trong ít chợ nổi ở Việt Nam, còn duy trì các hoạt động mua bán tương đối nhộn nhịp, nơi đây không chỉ mua bán hàng hóa nông sản mà còn là sản phẩm du lịch đặc thù của Cần Thơ.
II.Hành trình về tour miền tây không thể không nhắc đến những địa danh tại Sóc Trăng- Bạc Liêu
Sóc Trăng là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Sóc Trăng vẫn có các tiềm năng riêng để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa lễ hội, tìm hiểu phong tục tập quán các loại hình nghệ thuật văn hóa, thể thao truyền thống của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Sóc Trăng có 08 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và trên 20 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là những điểm đến không thể thiếu khi du khách đến Sóc Trăng, nổi bật : là chùa Dơi, chùa Kh’leang, chùa Đất Sét, Khu Di tích Đón đoàn tù Chính trị Côn Đảo, Khu Căn cứ Tỉnh ủy rừng tràm Mỹ Phước,v.v
Thành phố Bạc Liêu là nơi hội tụ 3 dòng dân tộc Kinh – Hoa - Khmer đã tạo nên tính cách cũng như nét độc đáo của con người thành phố Bạc Liêu. Người thành phố Bạc Liêu rất yêu nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đờn ca tài tử. Vùng đất văn hóa này đã nuôi dưỡng và hun đúc tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa cao Văn Lầu để ông sáng tác bản Dạ cổ Hoài lang bất hủ, có sức hấp hẫn mãnh liệt đối với người dân Nam Bộ                                                                     
Một vài điểm đến đặc biệt tại Soc Trăng và Bạc Liêu
Chùa Dơi nổi tiếng là một quần thể kiến trúc đẹp và độc đáo bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một ngôi chùa cổ kính hơn 400 năm tuổi, và đặc biệt là được nhìn ngắm đàn dơi hàng trăm nghìn con đang cư ngụ trong khuôn viên chùa.
Chùa Som Rong: có tên đầy đủ là chùa Botum Vong Sa Som Rong. Kiến trúc chùa là của người Khmer nhưng được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đặc biệt đây là ngôi chùa có Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất Việt Nam.
Chùa Chén Kiểu: Đến với chùa Chén Kiểu, ngắm nhìn kiến trúc độc đáo của chùa, tìm hiểu văn hóa người Khmer

Nhà Công Tử Bạc Liêu - tên gọi gắn liền với nhiều giai thoại đã trở thành quen thuộc với du khách thập phương. Ngự trị ở nơi là trái tim của thành phố Bạc Liêu, nhà công tử luôn là điểm đến không thể chối từ của hầu hết những ai dừng chân ghé lại.
Khu điện gió Bạc Liêu đây là nơi được nhiều người đến tham quan chụp ảnh lưu niệm (  không tham quan được vào những ngày có lịch bão trì)
Một số món đặc sản nhất dịnh nên thử
Bún nước lèo: Bún nước lèo là món ăn nổi tiếng ở Sóc Trăng nhờ sự kết hợp trong cách dùng nguyên liệu khiến hương vị không giống bất kỳ miền đất nào. Người ta gọi bún nước lèo Sóc Trăng là món ăn đoàn kết, bởi món ăn là sự kết hợp tinh hoa của dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, thể hiện ở mỗi thành phần món ăn là đặc trưng của 3 dân tộc.
Bún gỏi dà: Ai lần đầu nghe thấy tên bún gỏi dà sẽ thấy rất lạ tai nhưng thực chất đây là món ăn dân dã phiên bản nước của món gỏi truyền thống. Điểm độc đáo của món này là nước súp được chế biến rất đặc biệt. Người ta ninh từ xương heo rồi nêm me chua, tương hạt nên nước có vị ngọt ngọt, thơm thơm.
Cháo cá lóc rau đắng : Một món ăn bình dị mà nổi tiếng của Sóc Trăng, đó là món cháo cá lóc với rau đắng. Một tô cháo cá lóc đầy đủ gồm đa dạng nguyên liệu như cá lóc, tương hột, nấm rơm, gừng hành, mắm muối và rau đắng. Bạn nên cho rau đắng, giá sống vào tô cháo, một ít gừng non xắt nhuyễn rồi trộn đều, rắc ít tiêu vào.
Mắm chua Bạc Liêu:Ở Bạc Liêu có nhiều loại mắm, nhưng mắm chua thì nhất định không được bỏ qua. Để làm ra được một mẻ mắm chua ngon, người thợ phải chọn được những nguyên liệu ngon nhất và kết hợp chúng lại theo một tỉ lệ nhất định. Trước khi đem ủ, các loại cá sẽ được tẩm gia vị rồi đem ủ muối.
Cốn xại và xá bấu:Cốn xại được làm từ rau cải tươi, lựa những cọng non đem phơi nắng cho héo rồi trộn muối, đường, riềng. Ủ khoảng 2 tuần thì sẽ được món cốn xại ngon, mằm mặn, ăn cơm rất lạ miệng. Xá bấu thì được làm đơn giản hơn, chỉ cần chuẩn bị củ cải tươi, đem phơi sau đó tẩm ướp gia vị rồi có thể ăn ngay. Tuy đơn giản vậy đấy, nhưng cốn xại và xá bấu mang những nét miền quê dân dã, đậm chất Bạc Liêu.
III.Điểm đến tại Đất Mũi- Cà Mau
Mũi Cà Mau là mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc Việt Nam thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Đất Mũi được nhắc đến như một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam và trong đời, ai cũng ước một lần được đến. Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú.
Một số điểm đến đặc biệt khu du lịch Đất Mũi tham quan:

                                                         


Mốc Tọa Độ Quốc Gia – GPS0001: cột mốc có ý nghĩa đánh dấu vùng đất tận cùng của Tổ quốc.
Pano biểu tượng Mũi Cà Mau: được chế tác như con thuyền rẽ sóng ra khơi.
Cột Cờ Đất Mũi: niềm tự hào của người dân tỉnh Cà Mau, nơi cho ra đời những bức ảnh check-in cực chất.
Đền thờ Lạc Long Quân – Âu Cơ: công trình đầy ý nghĩa, quy tụ các giá trị văn hóa của cha ông về với miền cực Nam của Tổ quốc.
Một vài đặc sản tiêu biểu:
Cua Cà Mau: Nhắc đến vùng đất tận cùng của Tổ Quốc thì cua chính là món đặc sản Cà Mau hàng đầu phải kể đến. Không chỉ nổi tiếng trong nước, cua Cà Mau còn được xuất khẩu đi các nước lân cận. Thế nên, đặt chân đến Đất Mũi mà không thưởng thức món cua thì quả là một thiếu sót lớn.
Mắm cá Sặc: Khi đặt chân đến vùng sông nước Miền Tây, món lẩu mắm vẫn là một đặc sản mà bạn đừng nên bỏ qua. Với hương vị mắm đặc trưng, tại Cà Mau nước lẩu sẽ được nấu bằng mắm cá Sặc, cùng với một ít sả băm nhuyễn làm dậy lên mùi mắm thêm “nồng nàn” hơn.
Rắn Ri:Một loại rắn lành tính sống tại vùng nước ngọt U Minh Hạ, không chỉ là đặc sản thơm ngon, món rắn ri rất giàu chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe. Rắn ri thường được chế biến theo nhiều cách như hầm sả nước dừa, xào lăn, hoặc nấu cháo.


=>Với những đặc điểm và vị thế riêng, du lịch miền tây đang từng bước ngày một phát triển, trở thành nỗi “vấn vương” cho mỗi du khách khi đặt chân về mảnh đất này. Khi mà nền du lịch ngày một phát triền thì du khách ngày càng hướng tới những giá trị thiên nhiên gần gũi và mộc mạc giản dị. Có lẽ chính bởi vậy mà thời gian gần đây, du lịch Miền Tây ngày càng thu hút được sự quan tâm lớn của du khách cả trong và ngoài nước.



 

Hỗ trợ trực tuyến

  • KD1: 0914 666 386
  • KD2: 0986 086 861
  • KD3: 0934 318 022
  • KD:4 0914 666 386
  • KD5: 0986 086 861
  • Tel: 0243.628.0857
  • Fax: 0243.628.0857
  • Skype: linhviettravel
  • Email: info@yeudulich.com.vn